TÌM HIỂU MỆNH GIÁ ĐỒNG TIỀN WON HÀN QUỐC

Won (원) (Ký hiệu: ₩; code: KRW) là đơn vị tiền tệ của Đại Hàn Dân Quốc. Won được ban hành bởi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, có trụ sở tại thành phố thủ đô Seoul. Won là cách viết chệch từ chữ Weon (원, Viên), nhưng từ ngày 9/6/1962 Ngân hàng Hàn Quốc tuyên bố sẽ không dùng chữ Hán cho chữ này nữa. Trước đó tiền tệ của Hàn Quốc gọi là Hwan (환, Hoàn)

Đất nước Hàn Quốc sử dụng phổ biến cả tiền Giấy và tiền Xu. Ngoài hai loại tiền trên người Hàn Quốc còn sử dụng loại đồng tiền mệnh giá 100,000 Won hoặc cao hơn.

– Tiền xu hiện nay có 6 loại mệnh giá là đồng 1 won, 5 won, 10 won, 50 won, 100 won và 500 won với kích cỡ khác nhau. Nhưng hiện nay đồng tiền xu được dùng phổ biến là 50 won, 100 won và 500 won
– Tiền giấy hiện nay có 4 loại mệnh giá là đồng 1000 won, 5000 won, 10,000 won, 50,000 won
– 수표 – loại đồng tiền mệnh giá 100,000 Won hoặc cao hơn (nhưng ít khi sử dụng)

+ 1 Won: tiền kim loại bằng nhôm, màu trắng.
+ 5 Won: tiền kim loại bằng hợp kim đồng và kẽm, màu vàng.
+ 10 Won: tiền kim loại bằng hợp kim đồng và kẽm màu vàng hoặc hợp kim đồng và nhôm màu hồng.
+ 50 Won: tiền kim loại bằng hợp kim đồng, nhôm và nickel, màu trắng.
+ 100 Won: tiền kim loại bằng hợp kim đồng và nickel, màu trắng.
+ 500 Won: tiền kim loại bằng hợp kim đồng và nickel, màu trắng.
+ 1000 Won: tiền giấy, màu xanh da trời.
+ 5000 Won: tiền giấy, màu đỏ và vàng.
+ 10,000 Won: tiền giấy, màu xanh lá cây.
+ 50,000 Won: tiền giấy, màu cam

Như vậy, đồng 10 won là đồng tiền mệnh giá nhỏ nhất và nó thường không được sử dụng nhiều trên thị trường, thậm chí cũng không sử dụng được để nạp thẻ xe bus hay mua hàng trên máy bán hàng tự động. Tuy nhiên, đồng tiền này vẫn rất có ích trong 1 số trường hợp nhất là khi bạn mua những mặt hàng mà giá thành hơi lẻ 1 chút. Đồng 50.000 won là đồng tiền mệnh giá cao nhất (trừ đồng 수표) và bắt đầu được đưa vào lưu thông trên thị trường từ năm 2009, tuy nhiên do trị giá cao nên nó cũng không được sử dụng phổ biến trong mua bán hàng ngày.

 

Đồng xu 10 won

Những hình vẽ trên đồng tiền xu Hàn Quốc đều liên quan đến một biểu tượng văn hóa cụ thể của quốc gia này. Trên đồng 10 won, bạn có thể nhìn thấy hình tháp Dabo (Đa Bảo Tháp – 다보탑) – tòa tháp tiêu biểu của ngôi chùa nổi tiếng Phật Quốc tự (Bulguksa) ở thành phố Gyeongju.

Ngôi chùa nằm ở tỉnh Bắc Gyeongsang này được biết tới là một biểu tượng tôn giáo, văn hóa của Hàn Quốc và đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Nơi đây đang lưu giữ 7 quốc bảo của Hàn Quốc trong đó có tháp đá Dabo nói trên cùng với tháp Seokga (Thích Ca Tháp), cầu Cheongun (Thanh Vân Kiều – Cầu Mây Xanh) và tượng Phật bằng đồng dát vàng.

Đồng xu 50 won

Nếu đồng 10 won được khắc hình ảnh một di tích văn hóa, lịch sử thì trên đồng 50 won lại là hình ảnh bông lúa – biểu tượng của nền nông nghiệp lúa nước.

Mặc dù ngày nay đã trở thành 1 quốc gia công nghiệp phát triển, nhưng người dân Hàn Quốc chưa bao giờ quên truyền thống nông nghiệp của đất nước mình và cho đến bây giờ, cây lúa vẫn đóng vai trò rất quan trọng với đời sống người dân nơi đây.

Đồng xu 100 won

Tiếp theo đồng 100 won được in hình tướng quân Yi Sun Shin (Lý Thuấn Thần).

Ông sinh năm 1545 và mất năm 1598, ông được biết đến là một viên tướng thuỷ quân nổi tiếng của triều đại Joseon, lập nhiều chiến công trong các trận chiến chống lực lượng hải quân Nhật Bản thời chiến tranh Nhật – Triều (1592-1598). Yi Sun Shin là một vị tướng yêu nước, nhà chiến lược tài ba của hải quân triều đại Joseon.

Đồng xu 500 won

Đồng tiền xu có mệnh giá lớn nhất 500 won được in hình chim hạc.

Đây là 1 biểu tượng quen thuộc với nhiều quốc gia phương Đông, còn đối với Hàn Quốc, con chim hạc trên đồng xu 500 won này tượng trưng cho sự phát triển và trường tồn mãi mãi.

Đồng 1000 won

Đồng 1000 won có màu xanh nhạt bắt mắt. Mặt trên của tờ tiền có những bông hoa, ngôi nhà hanok và chân dung một người đàn ông: học giả Yi Hwang dưới triều Joseon.

Ông là một trong những người có đóng góp quan trọng với học viện Khổng Tử Dosanseowon. Ngoài ra, Yi Hwang cũng là hiệu trưởng của Myeongnyundang, trung tâm giáo dục quan trọng dưới triều đại Jeseon với hình ảnh được in sau chân dung ông.

Sinh thời, Yi Hwang rất thích loài hoa maehwa và khi ông qua đời, Yi Hwang muốn con trai mình tiếp tục chăm sóc loài hoa này. Đó là lí do hình ảnh những bông hoa maehwa xuất hiện trên tờ 1.000 won. Đặc biệt hơn, mặt sau tờ tiền là bức tranh phong cảnh với công trình tiền thân của Dosanseodang, nơi mà Yi Hwang nghỉ hưu để chuyên tâm học hành. Đây là công trình lâu đời nhất trong quần thể học viện Khổng Tử Dosanseowon.

Đồng 5000 won

Trên đồng tiền mệnh giá 5000 won của Hàn Quốc được khắc hình của một học giả Nho giáo nổi tiếng của thời Joseon là Yi I. Cuộc đời của học giả Yi I là cuộc đời của một nhà tri thức chân chính, có con mắt tinh tường và tình cảm nồng cháy luôn hướng về quốc gia, hướng về bá tính.

Mặt trước đồng tiền có in chân dung Yi I và hình ảnh nơi ông sinh ra Ô Trúc Viên, nay ở Gangneung và những bụi tre mọc quanh khu nhà. Mặt sau của tờ tiền là hình ảnh trái bí và hoa mào gà ( 맨드라미 ). Đây là hình ảnh được trích trong tác phẩm bình phong 8 bức, vẽ cây cỏ và côn trùng có tên là Thảo Trùng Đô ( 초충도 ), một trong những tác phẩm nổi tiếng của bà Shin Saimdang.

Đồng 10,000 won

Tờ 10.000 won của Hàn Quốc có màu xanh lá cây và khắc họa hình ảnh của vị vua thứ 4 triều Joseon, vua Sejong. Ông là một trong những vị vua nhân từ và thương dân nhất trong lịch sử Hàn Quốc.

Trong khi các tờ tiền khác thể hiện hình ảnh những công trình quan trọng với cuộc đời nhân vật, tờ 10.000 won lại khắc họa một trong những đóng góp to lớn nhất của vua Sejong. Mặt trước tờ tiền với hình ảnh một đoạn trích từ tác phẩm hoàn chỉnh đầu tiên bằng tiếng Hàn Quốc, Yongbieocheonga với ý nghĩa “những bài ca của rồng bay tới thiên đường”. Tác phẩm này đã được viết bởi vua Sejong và đang được lưu trữ tại bảo tàng hoàng gia quốc gia Hàn Quốc.

Đồng 50,000 won

Một điều thú vị là nếu học giả Yi I được in hình lên đồng 5000 won thì mẹ của ông, bà Shin Saimdang ( 신사임당 ) lại được chọn in hình lên đồng tiền mệnh giá cao nhất 50,000 won. Bà nổi tiếng trong lịch sử với nhiều tư cách, vừa là một nghệ sĩ tiêu biểu của giai đoạn trung kỳ thời Joseon vừa là một người mẹ với nhân cách tuyệt vời đã tạo nên một học giả thiên tài.

Mặt sau của tờ tiền 50,000 won là tác phẩm Nguyệt Mai Đồ ( 월매도 ) của họa sĩ thời Joseon Ngư Mộng Long ( 어몽룡 ) và Phong Trúc Đô ( 풍죽도 ) của họa sĩ Lý Đình ( 이정 ).

 

 

HỖ TRỢ

0977967992